
♦♦♦ Bánh Cóng
Bánh cóng, là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu dân dã “tự nuôi tự trồng” của người dân miền Tây sông nước. Bánh cóng, như tên gọi, có nguồn gốc từ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nay phổ biến và lan rộng ra khắp miền Tây nam Bộ.
Nguyên liệu chính của bánh làm từ bột gạo, đậu xanh hột và thịt heo bằm nhuyễn, những nguyên liệu có sẵn từ cuộc sống nông nghiệp của miền sông nước. Gạo và đậu xanh để làm bánh đều phải chọn loại ngon, tôm thì chọn tôm đất bắt ngoài sông. Quá trình làm bánh cống rất công phu: gạo và đậu xanh được ngâm lâu cho nở đều, sau đó gạo được xay nhuyễn thành bột nước, nêm thêm chút muối để làm vỏ bánh thêm đậm vị. Đậu xanh thì được nấu chín nguyên hạt.Tôm được cắt bỏ đầu, rút sợi chỉ đen trên sống lưng và rửa sạch để ráo nước, sau đó đem tôm đi hấp đến chín tái. Thịt heo là thành phần quan trọng làm nhân của bánh nên phải chọn loại thịt heo ngon, nhiều nạc. Ngoài ra còn cho tôm lột vỏ bằm nhuyễn trộn thành hỗn hợp làm nhân. Có thể cho ngay vào bột nước hoặc để đến khi cho bột nước vào khuôn mới cho nhân vào giữa đều được.
Khuôn ở đây là một dụng cụ giống như cái muỗng, nhưng đầu hình trụ tròn, thấp, mà người miền Tây gọi là “cái cóng”. Có lẽ bánh mang cái tên như vậy từ dụng cụ này. Chiên bánh cống phải chiên khéo, canh kĩ. Dầu chiên phải ngập đến bề cao của khuôn, vừa sát miệng. Khi dầu sôi thì nhúng vào trong chảo để khi đổ bột bánh không dính vào khuôn. Đổ bột đến nửa khuôn, sau đó cho đậu xanh, nhân đậu xanh và tôm thịt vào rồi mới đổ tiếp nửa còn lại. Nhúng thêm 2 con tôm đất vào bánh vừa tăng tính thẩm mỹ vừa tạo thêm hương vị. Xong xuôi thì nhúng khuôn vào chảo, tới khi thấy khuôn bánh nổi lên là biết đã chín. Dùng que tre hoặc dao cạy nhẹ khuôn lấy bánh ra, lật trên chảo dầu thêm lần nữa để bánh chín vàng đều, vớt ra vỉ cho ráo dầu.
Ăn bánh cống muốn ngon và không ngán một phần là nhờ rau xanh và cách pha nước mắm. Nước mắm chọn loại ngon pha với chanh, đường, ớt, tỏi, rau cà rốt, đu đủ muối chua. Rau ăn kèm có thể chọn xà lách, rau thơm, khế chua, chuối xanh, dưa chuột, thêm “chất tươi” để cân bằng với chất ngấy của dầu.
Chấm bánh vào nước mắm, kẹp thêm vài miếng rau và cắn một miếng, bạn sẽ cảm thấy sự hòa trộn hương vị tuyệt vời từ những nguyên liệu đồng nội.
Bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ giòn rộm nhưng mềm mịn bên trong, vị ngọt bùi của đậu xanh hột nấu mềm; cái dai, ngọt của hỗn hợp tôm thịt, tất cả được cân bằng hài hòa với vị mặn ngọt của nước mắm và chất tươi mát của rau xanh.
Món bánh cống là sự sáng tạo độc đáo trong ẩm thực của người Sóc Trăng nói riêng, người miền Tây nói chung, tận dụng từ những nguyên liệu đồng nội dân dã và sẵn có. Chỉ là món bánh ăn chơi mộc mạc nhưng không kém phần bắt vị và đậm đà nét ẩm thực của người miền Nam.
♦♦♦ Bánh Xèo
Chắc hẳn tuổi thơ ai cũng đã được thưởng thức món bánh xèo thơm ngon. Nhớ cái thời ấy, khi thời tiết se se lạnh, mẹ hay làm món bánh xèo cho con ăn. Bây giờ khi nhịp sống hối hả, tự nhiên con lại nhớ cái bánh xèo của mẹ.
Bánh xèo có nguồn gốc từ người Khmer Nam bộ. Với nguyên liệu chính của vỏ bánh là bột gạo và nhân bánh là thịt lợn, đậu xanh, tôm ăn kèm nhiều loại rau tươi, sạch và nước chấm chua ngọt ăn kèm. Tất cả tạo nên một món ăn tuy dân dã nhưng không kém phần độc đáo.
Bánh Xèo khi chiên ra phần vành bánh giòn rụm, bên trong thì mềm dai, cuốn với rau sống (ngon hơn khi có các loại rau rừng) rồi chấm vào chén nước mắm chua chua, ngọt ngọt, cay cay. Tất cả quyện vào nhau tạo nên một hương vị quê nhà khó quên…
Ai mà hỏng tin thì về miền tây chơi đi rồi thấy nhà nhà, người người, họp mặt gia đình đông vui, xúm lợi gói gói cuốn cuốn ta nói ngon rớt mồ hôi hột luôn!
♦♦♦ Bánh Khọt
Theo những người gắn bó lâu năm với nghề làm bánh khọt, nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ bánh căn của vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Khi người dân di cư vào vùng đất mới đã đem theo món ăn truyền thống của cha ông rồi dần thay đổi cách làm, hương vị cho phù hợp với nguồn nguyên liệu, phong vị của người bản địa. Còn cái tên bánh “khọt”, theo giải thích của nhiều người là do khi đổ bánh, để lóc bánh ra khỏi khuôn, người ta phải dùng muỗng khẩy lên, khi muỗng va chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu “khọt khọt”, tên gọi của bánh cũng bắt đầu từ ấy. Nhưng cũng có cách lý giải tên bánh theo một ý nghĩa khác. Đó là ngày xưa, những người nghèo, cơ cực, không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ăn loại bánh làm toàn bằng bột chứ không có thịt thà gì. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là “khộp”, nghĩa là nghèo khổ (theo từ cổ). Lâu dần, cái tên “khộp” ấy được đọc trại thành “khọt”.
Vỏ bánh được làm từ hỗn hợp bột gạo, trứng gà, nước cốt dừa. Nhân bánh khá đa dạng có thể là sò điệp, tôm tươi, thịt bằm, chả cá, nhưng ưa chuộng nhất vẫn là tôm tươi. Vì là món ăn dân giã nên cách làm bánh khọt cũng khá đơn giản: Gạo đem ngâm nước khoảng 2-3 tiếng cho hơi mềm, sau đó đem xay, ủ qua đêm, khi chế biến hòa bột gạo với nước cốt dừa, trứng gà, hành lá xắt nhỏ, bột nghệ... Khuôn bánh khọt bắc lên bếp cho nóng, tráng một lớp dầu mỏng rồi đổ bột vào đợi bánh gần chín cho tôm lên trên mặt bánh, đậy nắp khuôn lại và đợi đến khi bánh chín cho một ít dầu vào để dễ lấy bánh khỏi khuôn. Ngoài ra có thể cho thịt bằm hay các loại hải sản khác lên mặt bánh để món bánh dân dã thêm phần phong phú và đa dạng hơn.